Thời Tôn Quyền Gia Cát Khác

Trấn thủ Đan Dương

Năm 234, ông đảm nhiệm chức vụ chỉ huy cấm quân bảo vệ kinh sư. Gia Cát Khác thấy người Việt ở quận Đan Dương chưa được Đông Ngô quản lý chặt chẽ, ông kiến nghị lên Tôn Quyền cho mình ra làm Trưởng quan Đan Dương (ngày nay là Tuyên Thành, An Huy) để quản lý chặt chẽ hơn, huy động thêm nhân lực của người dân vùng núi tại đây. Ông dự định trong 3 năm huy động được 3 vạn binh sĩ để tăng thêm nhân lực sản xuất phục vụ triều đình. Triều đình bàn tán, nhiều ý kiến không tán thành vì khó khả thi do địa hình hiểm trở và dân không thần phục, sẽ mạo hiểm và tốn kém, trong đó chính Gia Cát Cẩn cũng hoài nghi.[5]

Tuy nhiên, Gia Cát Khác hết sức tin tưởng vào kế sách này và tính khả thi của nó. Vì vậy Tôn Quyền đã phong cho ông là Thái thú Đan Dương, mang theo 300 kỵ binh trợ giúp. Đến nhiệm sở, Gia Cát Khác đưa công văn cho 4 huyện trực thuộc, lệnh cho họ phòng thủ biên giới chặt chẽ, chỉnh đốn quân đội. Sau đó ông phái các thuộc hạ đi trấn giữ những nơi hiểm yếu, lệnh cho quân sĩ chỉ lo việc tu sửa doanh trại, cấm gây gổ với dân. Nhưng đến khi lúa chín, Gia Cát Khác cho quân đi cướp hết thóc lúa của dân, không chừa lại cả thóc làm giống.[6]

Do đó người dân Đan Dương bị đói cùng quẫn, phải xuống núi xin quy phục. Ông bèn ra lệnh cho thuộc hạ quan tâm và đưa họ tới những huyện ngoài sinh sống, không để họ ở trong núi nữa và không được bắt giam họ. Có người bản địa là Chu Dụy không muốn rời núi bèn khởi binh chống lại. Thuộc hạ của Gia Cát Khác là Hồ Kháng bèn mang quân bắt trói Chu Dụy về phủ. Gia Cát Khác bèn khép tội Hồ Kháng chống lệnh và chém. Dân trong vùng thấy vậy biết chủ ý của ông chỉ muốn dân dời núi chứ không phải chém giết, bèn cùng nhau dời núi ra ngoài ở. Sau 1 năm, số người xuống núi nhiều hơn dự định ban đầu. Năm 237, Đan Dương hoàn toàn nằm dưới sự kiểm soát của nước Ngô và trở thành quận trọng điểm về cung cấp binh sĩ và lương thực cho quân đội nước Ngô. Tôn Quyền bèn giao cho Gia Cát Khác 1 vạn người, còn lại chia cho các tướng quản lý.[7]

Nhờ công lao đó, Gia Cát Khác được thăng làm Uy bắc tướng quân, Đô hương hầu.

Đại thần Đông Ngô

Năm 243, Gia Cát Khác lên kế hoạch tấn công thành Thọ Xuân của Tào Ngụy, và ra lệnh cho binh sĩ trong tư thế sẵn sàng công thành bất cứ lúc nào. Tuy nhiên, khi biết tin danh tướng của Ngụy là Tư Mã Ý đã mang viện binh đến Thọ Xuân và chuẩn bị giao tranh với quân Ngô, Tôn Quyền đã ra lệnh cho Gia Cát Khác phải lập tức lui binh để tránh thiệt hại cho quân Ngô vì Tư Mã Ý là một lão tướng dày dặn kinh nghiệm trận mạc. Từ lúc đó trở đi, danh tiếng của Gia Cát Khác ngày một lớn hơn vì ông dám đối đầu với một danh tướng như Tư Mã Ý. Tuy nhiên, Lục Tốn lại rất bất an vì sự lỗ mãng của Gia Cát Khác nên đã viết thư khiển trách ông. Ông đã viết thư nhận lỗi với Lục Tốn vì ông hiểu được vị trí hiện tại của ông so với uy vọng của một lão thần như Lục Tốn là không đáng kể. Năm 245, sau khi Lục Tốn qua đời, Tôn Quyền đã lệnh cho ông lên thay vị trí của Lục Tốn, làm kiêm chức Thứ sử Kinh châu, đóng quân ở Vũ Xương (ngày nay là Ngạc Châu, Hồ Bắc).

Năm 251, khi Tôn Quyền sắp qua đời, muốn tìm kiếm một phụ chính đại thần có năng lực để phò tá thái tử Tôn Lượng. Thân tín của Tôn Quyền là Tôn Tuấn đã đề cử Gia Cát Khác, và nhiều đại thần cũng tán thành việc này Gia Cát Khác là người có năng lực. Tuy nhiên Tôn Quyền lại lo ngại vì tính ngạo mạn và tự phụ của Gia Cát Khác, tuy nhiên Tôn Tuấn vẫn khuyên ông nên triệu Gia Cát Khác từ Vũ Xương về đảm nhiệm vị trí phụ chính đại thần. Khi Gia Cát Khác chuẩn bị rời Vũ Xương, lão tướng quân Lã Đại biết rất rõ về tính lỗ mãn của ông và đã khuyên ông:

"Cậu sẽ phải đối mặt với rất nhiều khó khăn khi nhận lãnh trọng trách này. Trước khi quyết định bất cứ vấn đề gì, cậu hãy suy xét mười lần".

Gia Cát Khác không những không thể hiện sự nhún nhường như đã từng làm đối với Lục Tốn mà còn đáp lại một cách tự phụ:

"Quý Văn Tử (季文子, học trò của Khổng Tử) luôn suy nghĩ ba lần trước khi làm bất cứ việc gì, Khổng Tử đã bảo ông ấy chỉ nên nghĩ hai lần thôi. Thưa Đại nhân, giờ ngài lại bảo tôi phải suy nghĩ đến những mười lần. Thế khác nào ngài cho tôi là kẻ ngu ngốc?".

Lã Đại không cách nào đáp lại được, người đời sau cho rằng Gia Cát Khác đã đối đáp không thực sự chính xác trước lời khuyên của Lã Đại, nhưng các sử gia lại nhận định rằng cách mà Gia Cát Khác đáp lại chính là biểu hiện của việc tính cách tự phụ và lỗ mãn của ông đã tăng lên. Sau khi Tôn Quyền phong Gia Các Khác làm phụ chính đại thần và ra lệnh mọi việc lớn nhỏ trong triều sẽ do Gia Cát Khác lo liệu (trừ những việc liên quan đến sinh tử) đồng thời các vị văn võ đại thần phải trợ giúp ông, Gia Cát Khác càng trở nên kiêu căng hơn nữa.

Gia Cát Khác về kinh đô Kiến Nghiệp, Tôn Quyền giao cho ông phò trợ thái tử, thống lĩnh toàn quân, lo đại sự.